Kiểm toán hoạt động là gì?
Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Kiểm toán hoạt động tập trung vào việc xem xét các chương trình, các hoạt động, các đơn vị hoặc các nguồn công quỹ và các thể chế có vận hành theo các nguyên tắc về tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực không và có cần cải tiến không. Kiểm toán viên nhà nước đối chiếu kết quả thực hiện của các chương trình, các hoạt động, các đơn vị hoặc các nguồn công quỹ và các thể chế với các tiêu chí phù hợp; phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch so với các tiêu chí đó, cũng như các vấn đề khác để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hiệu lực và đưa ra kiến nghị để cải thiện tình hình.
Mục đích của Kiểm toán hoạt động
Mục đích của kiểm toán hoạt động là thúc đẩy một cách tích cực các hoạt động quản trị nhằm đảm bảo tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực, đồng thời góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.
Kiểm toán hoạt động tăng cường trách nhiệm giải trình bằng cách hỗ trợ những người có trách nhiệm quản trị và giám sát cải thiện hoạt động thông qua việc kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực trong việc chuẩn bị và thực hiện các quyết định của cơ quan lập pháp, hành pháp; lợi ích mà xã hội và công chúng nhận được từ việc sử dụng tài chính, tài sản công; các thiếu sót trong hệ thống chính sách, quy định hiện hành và quá trình thực hiện chúng làm cản trở việc đạt được các mục tiêu cụ thể. Kiểm toán hoạt động chú trọng vào các lĩnh vực có nhiều khả năng cải thiện nhất và có thể tăng thêm giá trị đối với công chúng và xã hội. Kiểm toán hoạt động khuyến khích một cách tích cực đối với các bên chịu trách nhiệm thực hiện các hành động thích hợp để cải thiện tình hình.
Kiểm toán hoạt động tăng cường tính minh bạch bằng cách cung cấp cho người sử dụng báo cáo kiểm toán hoạt động những hiểu biết thấu đáo về công tác quản lý và kết quả đầu ra của các chương trình, các hoạt động, các đơn vị hoặc các nguồn công quỹ và các thể chế. Bằng cách đó, kiểm toán hoạt động vừa góp phần trực tiếp vào việc cung cấp thông tin hữu ích tới công chúng, vừa đóng vai trò là căn cứ để đối tượng chịu trách nhiệm tiếp thu và cải thiện tình hình. Trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ của mình, Kiểm toán nhà nước không bị ràng buộc trong việc ra quyết định kiểm toán hoạt động và không bị hạn chế đối với việc công khai các phát hiện kiểm toán hoạt động.
Mặc dù ra đời muộn hơn so với kiểm toán Báo cáo tài chính; nhưng do lợi ích của nó, nên nhiều quốc gia ngày càng quan tâm đến kiểm toán hoạt động không chỉ riêng trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực kinh tế tư nhân.
Đối với Việt Nam, kiểm toán hoạt động vẫn chưa được chú trọng đúng với vai trò của nó, điều này cho thấy cần thúc đẩy hoạt động này để giảm tình trạng lãng phí của công và kiểm soát tránh để lãng phí hay thất thoát các nguồn lực sử dụng cho tất cả các hoạt động của nền kinh tế.
Hãng Kiểm toán và Định giá Quốc Gia hy vọng với những thông tin có trong bài các bạn sẽ phần nào hiểu được kiểm toán hoạt động là gì và các phương pháp cũng như những nội dung liên quan đến kiểm toán hoạt động.